Một trong những kiệt tác được hình thành do sự bay hơi cô đặc một lượng muối canxi trong nước, đó là hang động pha lê Naica thuộc núi Naica, Chihuahua của Mexico. Ðây là hang động có pha lê tự nhiên lớn nhất thế giới.
Thiên nhiên luôn mang lại những điều kỳ thú cho con người. Những thay đổi về thời tiết, những cơn địa chấn, những tác động của thiên nhiên... qua thời gian dài đã tạo nên những hang động tự nhiên tuyệt vời trên thế giới khiến con người phải kinh ngạc. Một trong những kiệt tác được hình thành do sự bay hơi cô đặc một lượng muối canxi trong nước, đó là hang động pha lê Naica thuộc núi Naica, Chihuahua của Mexico. Ðây là hang động có pha lê tự nhiên lớn nhất thế giới.
Hang Pha lê - Naica - nằm sâu bên trong ngọn núi Naica và nằm sâu cách mặt đất 290m, được một thợ mỏ bạc Naica ở thành phố Chihuahua phát hiện vào năm 1974. Nhưng phải đến năm 2000, khi hai anh em Juan và Pedro Sanchez tiến hành khoan một đường hầm dẫn tới hang thì những cảnh tượng thú vị thực sự mới được mở ra. Hang Pha lê thực sự là một vương quốc của những cột pha lê khổng lồ mọc ra tua tủa từ các vách đá và đáy hang.
Các cơn địa chấn xảy ra cách đây khoảng 26 triệu năm đã tạo nên ngọn núi Naica, bao phủ lên nó một lớp thạch cao khan rất dày. Khi magma nguội đi, nhiệt độ hạ xuống, lớp thạch cao bắt đầu phân hủy, hòa vào nguồn nước muối sulfat và canxi. Qua hàng triệu năm, hỗn hợp đó trở thành lớp trầm tích lắng lại trong các động và tạo thành những khối pha lê khổng lồ như ngày nay.
Nhà khoa học Paolo Garofalo, Đại học Bologna, Italy, cho biết: “Cách đây 200.000 năm, môi trường trong lòng hang chuyển từ ẩm ướt sang khô ráo. Quá trình đó, sự bay hơi đã cô đặc một lượng muối canxi trong nước, tạo thành các cột pha lê như bây giờ”.
Có khoảng 170 khối tinh thể pha lê trong suốt khổng lồ trong hang động. Các khối dài nhất có thể đạt chiều dài hơn 10m. Một số khối ước nặng tới 55 tấn. Các nhà nghiên cứu tin rằng các khối pha lê lớn nhất hang đã được tích tụ từ hơn 500.000 năm trước. Và pha lê trong hang có khả năng đạt kích cỡ khổng lồ như vậy là nhờ sự kết hợp của nhiều điều kiện tự nhiên trong vòng 10.000 năm qua.
Trong thời gian này, nhiệt độ của nước vẫn rất ổn định ở mức trên 50 độ C, là điều kiện hoàn hảo bên trong cho phép các vi tinh thể hình thành và phát triển, tạo nên các cột lớn nhỏ khác nhau, bề mặt nhẵn nhụi, phát ánh sáng dạ quang lấp lánh, nhô ra từ các vách đá và đáy hang, xếp chồng ngổn ngang với nhiều kích thước khác nhau, tạo ra một địa hình hiểm trở làm tăng tính mạo hiểm trong khi khám phá địa điểm kỳ thú này.
Tuy nhiên, nhiệt độ trong hang thường lên tới gần 58 độ C, với độ ẩm cao khoảng 90-99%. Không khí ở đây có chứa axit và không có ánh sáng tự nhiên... là điều kiện quá khắc nghiệt với con người.
Địa thế hiểm trở của hang Pha lê, tiềm ẩn nguy cơ rơi vào hố sâu, hoặc bị đâm vào một tinh thể sắt bén, khiến những người mong muốn khám phá phải e ngại nhưng đó vẫn chưa phải là thách thức lớn nhất. Chính môi trường không khí trong hang mới là điều khiến con người sợ hãi, bởi nhiệt độ cao và khí ẩm gần như 100%, nếu không có các thiết bị bảo vệ hỗ trợ đặc biệt thì có thể bị ngạt thở trong vòng 15 phút. Do vậy, bất cứ ai vào đây đều phải mặc các bộ đồ làm mát chuyên dụng, và chỉ ở tối đa 45 phút.
Hiện tại, du khách không được phép vào tham quan tại đây. Tuy nhiên, hang có thể sẽ được mở cửa cho lượng khách giới hạn trong tương lai.
Đẹp, lạ và đầy thách thức một cách cuốn hút, với tất cả mọi người, nhưng hang Pha lê đang bị đe dọa biến mất do biến đổi khí hậu. Nếu sự xâm thực của nước vào hang ngày càng tăng, có thể sẽ biến nó trở lại như 2.000 năm trước.
Có lẽ đây cũng là một trong những lý do mà đoàn làm phim khoa học của BBC tới đây để thực hiện bộ phim “Trái đất đã tạo ra những cây cột pha lê như thế nào” vào tháng 1-2010.